Chuyện của Lý
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình hay nghe ở đâu đó hoặc ai đó hỏi rằng: bạn sinh ra trên đời này với ý nghĩa và mục đích gì? Với tôi, khi một người được sinh ra đã mang một ý nghĩa to lớn đối với gia đình họ rồi, tương lai người đó có thể là một bậc kỳ tài hay có những thành công vượt bậc mà nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ, hoặc chỉ đơn giản là một người bình thường, sống lương thiện. Bạn có tin rằng, có những khoảnh khắc sẽ thay đổi cuộc đời của một ai đó không? Ví dụ như giây phút mà người ta phải đứng giữa cái ranh giới mong manh của sự Sống và cái Chết chẳng hạn. Liệu đó có phải là lúc quyết định số phận của chúng ta?
Ngày 10/03/1996 là ngày Mẹ mang cho tôi cuộc đời, tôi ra đời trong sự ngóng trông của cả gia đình khi mà Bố Mẹ đã kết hôn 2 năm mới có tin vui. Ngày xưa ở quê hay đặt tên theo kiểu tên nối, tên con nối với tên Bố Mẹ sẽ tạo thành một cụm từ ý nghĩa chẳng hạn, Mẹ tôi tên là Tâm nên tôi là Lý, với mong muốn lớn lên tôi sẽ thật tâm lý, hiểu chuyện, biết cảm thông và sống tình cảm.
Nghe Bố Mẹ kể lại có những sự bất thường ngay từ khi tôi mới được vài ngày tuổi, thường xuyên quấy khóc cả ngày lẫn đêm, bú mẹ kém và ngủ ít, chẳng ngoan như những đứa cùng chào đời với tôi năm đó. Và rồi đến một ngày, những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh xuất hiện, trong một lần Mẹ thay tã thì không may tôi bị gãy xương đùi. Hồi đó nhà còn nghèo, kinh tế chật vật và y học cũng chưa phát triển như hiện nay, Bố Mẹ chỉ biết đưa tôi đến bệnh viện huyện để bó bột. 9 tháng tuổi, nhiều đứa cùng lứa đã bắt đầu lò dò chạy đi thì tôi mới biết ngồi và đeo thêm cái chân bó bột nặng trĩu. Cuộc sống của gia đình tôi, của Bố Mẹ và của bản thân tôi chính thức thay đổi. Thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, thay đổi để đón nhận rồi chấp nhận những thứ có lẽ sẽ không còn cách nào để giải quyết, và thay đổi để “sống chung với lũ” suốt quãng đời còn lại.
Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày cùng Bố Mẹ dòng dã ăn trực nằm chờ ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ vì ngày ấy, Y học vẫn chưa gọi rõ ràng được tên căn bệnh mà tôi đang mắc, chỉ nói chung chung là Bệnh Hiếm và tần suất gãy xương thì cứ tăng theo cấp số nhân, có những lần, chân bên trái còn chưa kịp tháo bột thì chân bên phải đã gãy thành hai khúc rồi, đau đớn tôi cũng chỉ biết nằm đó, đau quá thì kêu lên rồi được uống thuốc giảm đau và thuốc ngủ vào ban đêm. Thế nhưng, tôi dù có đau đến mấy đi chăng nữa thì cũng chỉ là đau đớn phần thể xác, còn Bố và Mẹ, họ đau về mặt tinh thần. Ban ngày phải lao động nặng nhọc rồi ban đêm thì thay phiên trông tôi, xoa bóp, vuốt ve rồi gãi ngứa vì mùa hè nóng nực còn cái chân bó bột của tôi thì như ngàn con kiến đang cắn.
Phải công nhận một điều rằng Bố Mẹ tôi là những người yêu thương con cái vô điều kiện. Khi mà nghe thấy ở đâu đó có người mách ăn món này, ăn món kia thì chắc xương hay bệnh viện này bệnh viện nọ có bác sĩ giỏi là bằng mọi giá Bố Mẹ đều tìm kiếm rồi mang tôi đi chạy chữa, có những năm, thời gian tôi ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà, các bác sĩ, điều dưỡng còn nhớ luôn tên tuổi, địa chỉ và lịch tôi vào viện định kỳ hằng tháng, đối với tôi bệnh viện cũng như là ngôi nhà thứ hai.
Rồi tôi được đi học, tuy học sau các bạn cùng tuổi một năm nhưng không sao, đối với tôi được đi học là niềm an ủi lớn vô cùng, tôi được đến trường, được gặp gỡ bạn bè, được học chữ, được hiểu và ý thức về thứ gọi là “ước mơ”. Nhưng cũng từ khi đi học, tôi bắt đầu nhận ra mình không giống với mọi người. Có những tiết học tôi chưa từng được tham gia như lễ Chào Cờ vào thứ hai đầu tuần, những tiết thể dục sôi nổi ngoài sân hay những buổi hoạt động ngoại khóa. Bạn bè trong lớp thì rỉ tai nhau rằng không được đến gần tôi, không chơi cùng tôi vì lỡ không may làm tôi gãy xương thì khiến các bạn bị liên lụy.
Suốt 6 năm đi học tôi luôn là đứa đi sớm nhất và về muộn nhất trường, nhưng trong mỗi hoàn cảnh, chỉ cần ta có một cách nhìn nhận khác đi và hành động tích cực hơn thì kết quả sẽ khác rất nhiều. Bởi vì đi sớm và về muộn nhất trường như vậy nên tôi có nhiều thời gian dành cho bài vở hơn và thành tích học tập của tôi luôn luôn đứng nhất nhì trong lớp. Ở thời điểm ấy, đó là niềm động viên khích lệ to lớn đối với Bố Mẹ và cả bản thân tôi nữa. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Cho đến một ngày, con đường học hành của tôi chính thức phải dừng lại vì trong một lần Mẹ đón tôi về, không may tôi bị gãy xương khi va chạm xe. Nếu là những lần trước thì chắc chỉ cần nghỉ vài tháng để cho cái chân lành lại rồi đi học tiếp, nhưng năm đó tôi đã suy nghĩ và đấu tranh nội tâm rất nhiều rồi cuối cùng đưa ra quyết định nghỉ học vì thấy Bố Mẹ vất vả quá. Họ phải lo chuyện mưu sinh, rồi lo chăm sóc đứa con bệnh tật, lo cả việc cho tôi đi học để tôi biết chữ, vui vẻ và hòa nhập với cộng đồng. Tôi nghỉ học, bây giờ nghĩ lại vẫn có chút hối hận, nhưng ở thời điểm đó, quyết định ấy là đúng đắn.
Tôi giống Bố Mẹ, cho dù có ở trong hoàn cảnh khó khăn hay khắc nghiệt đến đâu đi chăng nữa thì vẫn phải tìm cách để giải quyết và vươn lên, nhất định không đầu hàng trước số phận. Sau khi nghỉ học, tôi tìm cách kiếm tiền, hồi đó trong xã có một cô là người làng Chuông (Hà Tây cũ) chuyên làm nón lá các loại. Tôi xin Mẹ cho tôi đi học làm nón lá, rồi hằng ngày tôi lại cùng Mẹ rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, trên đường đi làm của mẹ – tôi đi học nghề. Một thời gian sau tôi về làm tại nhà và bán cho bà con làng trên xã dưới, người này mách người kia. Khoảng 10 năm trước thu nhập của tôi rơi vào khoảng 3 triệu một tháng sau khi trừ hết các chi phí, số tiền không nhiều nhưng đối với tôi nó vô cùng ý nghĩa vì tôi chưa từng nghĩ rằng mình có thể kiếm được tiền. Ở nhà được 5 năm thì tôi bắt đầu tự hỏi bản thân mình rằng “Mình sống trên đời này với ý nghĩa gì? Mình mong muốn điều gì? Mình có thể làm gì? Không lẽ cuộc sống của mình sẽ mãi mãi bị bó hẹp với bốn bức tường này? Rồi tương lai sẽ ra sao?”
Suy nghĩ một thời gian rồi tôi nói chuyện với Bố Mẹ và xin được xuống Hà Nội học nghề (mảng công nghệ thông tin). Bố Mẹ cũng phải cân nhắc và suy nghĩ mất hai tháng rồi mới đồng ý cho tôi đi học một lần nữa, với điều kiện “nếu không thành thì phải về nhà và không được có những suy nghĩ tương tự nữa” tôi vội vàng đồng ý và chẳng mảy may nghĩ đến điều kiện kia vì lúc đó đang hừng hực khí thế và tôi thì không nghĩ rằng mình không làm được.
Ngày nhập học, vẫn như thường lệ Bố Mẹ là người đi cùng tôi, dặn dò tôi đủ thứ và ra về. Tôi ngồi nhìn Bố Mẹ đi khuất bóng rồi bưng mặt khóc, cuộc đời tôi chuẩn bị được lật sang một trang mới. Ở trung tâm 6 tháng, tôi được học các kỹ năng cứng để sau này đi xin việc và học những kỹ năng mềm để ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, được tiếp xúc với những người bạn cùng hoàn cảnh từ Bắc vào Nam, và đặc biệt là được khám phá Hà Nội, thành phố đông đúc mà tôi chỉ được ngắm nhìn trong mỗi lần đi bệnh viện. Khóa học kết thúc rồi chúng tôi mỗi người một nơi, đứa đi xin việc làm, đứa về quê, 15 con người vì nhiều lý do mà dần rơi rụng hết cho đến nay chỉ còn 3 người trụ lại với Hà Nội.
Năm 20 tuổi, tôi tìm được công việc thứ hai để kiếm ra tiền và gặp được những người bạn thân thiết, họ có thể cười với tôi khi tôi hạnh phúc hay sẵn sàng nắm lấy tay tôi và ôm tôi lúc tôi đau đớn. Hằng ngày tôi đi làm với một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Khi cuộc sống dần ổn định và mọi thứ đi vào quỹ đạo của nó, tôi bắt đầu gạch ra cho mình những cái gạch đầu dòng đầu tiên để trả lời cho những câu hỏi “Mình sống trên đời này với ý nghĩa gì? Mình mong muốn điều gì? Mình có thể làm gì?” trước đó.
Nhưng rồi, nếu cuộc sống cứ yên bình và thuận lợi trôi qua thì đâu còn là cuộc sống nữa và nếu như vậy thật thì sẽ tẻ nhạt lắm.
20 tuổi là năm có nhiều dấu mốc của cuộc đời tôi, trong một lần tái khám sức khỏe định kỳ, tôi phải đón nhận một thông tin mà trong giây phút đó, cả bầu trời nhiệt huyết của tuổi trẻ phũ phàng sụp đổ ngay trươc mắt. Bác sĩ kết luận tôi bị ung thư tuyến giáp và đang ở vào giai đoạn II của bệnh, khối u bắt đầu di căn xa, phải nằm viện phẫu thuật ngay rồi sau đó xạ trị để tránh tình trạng xấu đi và khó kiểm soát hơn. Gác lại tất cả những dự định còn chưa kịp thực hiện, tôi lại cùng Mẹ tiếp tục chiến đấu trong bệnh viện, lần này nghiêm trọng hơn vì phải chạy đua với thời gian để giành lại sự sống. Tôi vốn Kiên trì và Can đảm từ bé, thậm trí có những lúc tôi từng nghĩ sẽ chẳng còn điều gì làm mình sợ hãi được nữa, thế nhưng lần này khi cái ranh giới giữa sống và chết ấy nó mong manh hơn bao giờ hết thì tôi cảm thấy sợ, tôi sợ mình sẽ thật sự không còn thời gian và cơ hội để làm những điều mà mình hằng mong muốn nữa. Rồi tôi vào phòng mổ, sau cuộc đại phẫu kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ, tôi tỉnh dậy và từ khi ấy trên người tôi có thêm một vết sẹo.
Có một câu nói mà tôi đọc được ở đâu đó rằng: “Thời gian không làm cho những vết sẹo mờ đi, thời gian chỉ làm cho ta quen dần với sự hiện diện của chúng”. Tôi đã phải làm quen dần với việc đang bước đi thì, sau mỗi lần gãy xương đôi chân lại ngày một yếu hơn, biến dạng, cong queo và đến một ngày tôi không còn bước đi được nữa, làm bạn với chiếc xe lăn từ năm lên 9 tuổi cho đến bây giờ. Hay việc Bố Mẹ tôi phải học cách chấp nhận rằng đứa con bé bỏng của mình sẽ phải sống chung với căn bệnh này đến hết đời.
Thế nhưng, nếu sợ hãi và bỏ cuộc thì đó không còn là tôi nữa, không còn là Bố Mẹ của tôi nữa. Sau những lần gãy xương đau đớn, sau những ca phẫu thuật kéo dài vài tiếng đồng hồ, sau những đợt xạ trị mệt mỏi và sau tất thảy những khó khăn, thử thách mà cuộc sống mang đến thì tôi vẫn sống.
Bệnh Hiếm nhưng tình yêu không hiếm, tôi yêu cuộc sống này, cũng bởi vì mắc một căn bệnh Hiếm – nhiều thứ bị giới hạn nên có lẽ tôi đã tự ý thức và cảm nhận được giá trị của cuộc sống hơn. Rằng mỗi ngày, còn được thức dậy khỏe mạnh vào mỗi buổi sáng đó đã là một điều tuyệt vời, còn có thể thức dậy thì mọi sự trên đời này vẫn có cơ hội để thay đổi. Mỗi một ngày đi làm là một ngày vui, rằng cho dù công việc có căng thẳng có áp lực đến đâu đi chăng nữa thì vẫn hạnh phúc hơn việc phải nằm dài trong bệnh viện với những đợt điều trị triền miên…
Chẳng dám mong cuộc đời sẽ dịu dàng hơn với mình, chỉ hi vọng rằng cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi vẫn sẽ dũng cảm và mỉm cười đón nhận, như thể đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
“Cuối cùng mọi thứ rồi sẽ ổn. Nếu chưa ổn thì chưa phải là cuối cùng.”
— John Lennon —